Chọn trang

Các Kiến thức Kỹ năng cần thiết của người lập dự toán công trình

Các Kiến thức Kỹ năng cần thiết của người lập dự toán công trình

Kỹ năng cần thiết của người lập dự toán công trình.

Rất nhiều bạn trẻ sau rất lúng túng khi được đưa cho một bộ hồ sơ và yêu cầu bóc dự toán. Hoặc kể cả những người đi làm đã lâu, khi công việc đòi hỏi thì không biết lập dự toán như thế nào.

Điều đó thật tệ hại các bạn ạ! Chắc các bạn đã thấy là đo bóc khối lượng, lập dự toán là một mảng kiến thức, kỹ năng rất cần thiết của một người làm trong các dự án xây dựng, kể cả người làm thiên về kỹ thuật xây dựng… Khi tham gia dự án xây dựng, kiểu gì bạn cũng sẽ phải va chạm với vấn đề dự toán, cho dù bạn thi công ngoài công trường hay làm việc trong văn phòng. Bạn mới bắt đầu bạn đến một cơ quan hay một công ty xây dựng để xin việc thì ngoài việc bạn tốt ngiệp trường nào, chuyên ngành gì ra thì câu đầu tiên người ta sẽ hỏi bạn: có biết chạy dự toán không ? có biết bóc khối lượng không ? Bản thân tôi cũng gặp rất nhiều trường hợp như thế này trong cuộc đời hành nghề mấy chục năm của mình các bạn ạ.

Trong điều kiện hiện nay, khi mà công nghệ thông tin trở nên phổ biến và việc sở hữu một chiếc máy tính trở nên đơn giản thì việc bạn biết sử dụng máy cũng không khó. Nhưng sử dụng máy tính cho công việc thì tôi nghĩ chưa chắc nhiều bạn đã làm được, đừng nói là vận hành thành thạo một phần mềm dự toán, hay dự thầu. Vì thứ nhất các phần mềm này yêu cầu phải hiểu chuyên môn, chuyên ngành. Các bạn không có người hướng dẫn trực tiếp và nhiều bạn dùng máy tính chỉ để chơi điện tử và chát chít chứ không hẳn đầu tư cho học hành…

Đó là vấn đề ngoài lề một chút vì tôi thấy nhiều bạn khi ra trường đi làm và bị từ chối khi đi xin việc hay mất đi nhiều cơ hội công việc rất tốt vì không có kỹ năng bóc tách dự toán đã thấy rất hối tiếc và nói vói tôi rằng : “giá như em biết một chút và ngày trước đừng lãng phí thời gian …”. Giá như nó rất vô cùng bạn ạ, nhưng cũng chưa muôn nếu biết và có quyết tâm học hỏi phải không các bạn ?

Vậy trong bài viết này tôi sẽ cùng các bạn trao đổi xem làm thế nào để bóc tách được một hồ sơ và cần các kỹ năng gì để có thể bóc tách được một bộ hồ sơ dự toán, các kỹ năng đó liên quan đến các môn học nào trong nhà trường của các bạn.

Về kỹ năng để bóc tách được một bộ hồ sơ dự toán:

Kiến thức đọc hiểu bản vẽ thiết kế công trình:

Để tính toán được khối lượng công việc cho một công trình thì đầu tiên bạn cần phải hiểu và hình dung được công trình đó như thế nào đã. Để hình dung được công trình bạn cần có kiến thức và kỹ năng đọc bản vẽ. Đọc bản vẽ như thế nào và xem những gì trong bản vẽ cho từng phần công việc? Không phải chỉ mở bản vẽ ra và xem công trình này mấy tầng, quy mô như thế nào và kiến trúc đẹp hay xấu… Để bóc tách được khối lượng lập dự toán thì không chỉ có vậy, bạn cần đọc bản vẽ để biết:

  • Bạn phải biết tên các bộ phận, cấu kiện của công trình
  • Sự xắp xếp, bố trí các bộ phận cấu kiện ra làm sao và hình dáng, tiết diện, kích thước của các cấu kiện như thế nào? vị trí cấu kiện trong công trình.
  • Thiết kế công trình, các bộ phận, cấu kiện được cấu tạo từ những vật liệu gì?
  • Bạn phải biết liên hệ các bản vẽ lại với nhau tức là từ bản vẽ kiến trúc đến kết cấu, điện nước…phải hình dung được chính xác và cách xắp đặt các cấu kiện….

Các kiến thức này các sinh viên xây dựng có được qua các môn học: Hình họa, họa hình, vẽ kỹ thuật, cấu tạo kiến trúc, bê tông cốt thép… Còn các bạn học ngành khác vào làm các dự án xây dựng thì phải đọc và học để bù lấp khoảng cách kiến thức với các sinh viên xây dựng. Kỹ năng thì bạn cứ rèn luyện, làm nhiều và tích lũy thì sẽ hình thành.

Kiến thức về biện pháp thi công, kỹ thuật thi công

Điều tiếp theo bạn cần biết đó là: quy trình chế tạo các bộ phận, cấu kiện rồi biện pháp thi công của công trình. Khi thiết kế, người thiết kế đã có tính đến biện pháp thi công tối ưu cho công trình, tuy nhiên không ai đi nói cho bạn biết là thi công thế nào thì tiết kiệm và nhanh nhất, điều đó bạn tự tìm hiểu thôi. Khi đọc bản vẽ bạn cần hình dung ra rằng cấu kiện này thì thi công bằng cách nào, để thi công được nó thì phải làm như thế nào ? Trình tự thi công từ đâu, từ trên xuống hay từ dưới lên, công việc nào làm trước, công việc nào làm sau…, với một người có kinh nghiệm, người ta sẽ xắp xếp thứ tự các công việc sao cho phù hợp với trình tự thi công nhất và khi nhìn vào bộ hồ sơ dự toán ban lập, người ta sẽ biết ngay bạn là người có hiểu biết về công nghệ thi công hay không ?

Mảng kiến thức này kỹ sư xây dựng có được từ môn kỹ thuật thi công và tổ chức thi công trong nhà trường. Còn người trái ngành thì phải học hỏi từ thực tế, biện pháp thi công mà Tư vấn thiết kế trình bày trong thuyết minh + bản vẽ thiết kế hoặc chỉ dẫn kỹ thuật, biện pháp thi công mà nhà thầu trình bày trong hồ sơ thầu, đọc từ Tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu và trên mạng (như các bài viết trên dobockhoiluong.com).

Kỹ năng tính toán, tính nhẩm

Một kỹ năng không thể thiếu được, đó là kỹ năng tinh toán. Kỹ năng này thì bạn được tích luỹ suốt quá trình học tập môn toán của mình từ lớn đến bé. Nếu bạn thấy mình không có năng khiếu, không phù hợp với các con số, phép tính thì có lẽ công việc đo bóc khối lượng lập dự toán hay công việc của người Kỹ sư QS (Quantity Surveyor, Kỹ sư khối lượng) không dành cho bạn.

Các cấu kiện trong xây dựng đều có những hình dạng đơn giản không quá phức tạp như hình hộp, hình vuông, chữ nhật, hình nan quạt….và bạn cần biết các công thức để tính được diện tích hay thể tích của các hình này. Thật là tệ hại vô cùng nếu kỹ năng tính toán của bạn kém cỏi. Nếu vậy tôi khuyên bạn nên bổ xung ngay và đừng bao giờ quên cuốn sổ tay toán học trong túi nhé.

Kỹ năng đo bóc khối lượng, lập dự toán, chế bản một bộ hồ sơ dự toán chuẩn mực

Bạn cần biết sắp xếp và bố trí một bộ hồ sơ dự toán thế nào cho hợp lý và đẹp mắt. Đó là phụ thuộc vào kỹ năng trình bày của bạn, nếu bạn trình bày rõ ràng, rành mạch thì không những khi nhìn vào sẽ rất có cảm tình mà khi bạn cần kiểm tra, rà soát lại cũng rất dễ dàng. Trong quá trình tính toán bạn nên ghi rõ phép tính này bạn tính cho cấu kiện nào ( ví dụ : Dầm D1 – trục A….) Nhìn vào bố cục một bộ hồ sơ dự toán và việc xắp xếp trình tự công việc sẽ đánh giá được trình độ của bạn thế nào ngay đấy.

Bạn xem mình đã biết được nhứng điều gì trong những kỹ năng trên ? Tôi rất vui và thích thú khi bạn nói với tôi rằng : “ tôi biết hết rồi..” và còn tuyệt hơn nếu bạn nói “ tôi còn biết hơn thế nữa…”, điều đó thật tuyệt đấy bạn ạ – bạn hãy chia sẻ cùng tôi và mọi người nhé.

Bài viết này chỉ là một số kinh nghiệm cá nhân tôi rút ra trong suốt quá trình làm việc của mình và mong chia sẻ với các bạn, tuy nhiên tôi biết nó còn nhiều thiếu sót và có thể có bạn sẽ có cách làm hay hơn, nhanh hơn và chính xác hơn…., vậy nếu bạn nào có cách làm hay hơn thì hãy chia sẻ cùng tôi và mọi người nhé.

Thông tin về các Tác giả

Thái Anh Nguyễn

Kỹ sư Công ty CP Giá Xây Dựng

1 bình luận

Để lại một trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

KHÓA HỌC ƯỚC MƠ

Hỗ trợ mua phần mềm

Ms Thu An: 0985 099 938

Hỗ trợ khách hàng

Hotline: 1900 0147

Follow Us